Hòa chung không khí phấn khởi hướng tới kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Quận Thanh Xuân (28/12/1996 - 28/12/2021), sáng thứ 2 đầu tuần cô trò trường THCS Nhân Chính đã tưng bừng tổ chức buổi Sinh hoạt dưới cờ với chủ đề: Giáo dục lịch sử truyền thống quận Thanh Xuân.
Trong buổi Sinh hoạt, các con và thầy cô rất vui,cùng nhau ôn lại Lịch sử hình thành quận Thanh Xuân gắn với lịch sử Thăng long- Hà Nội. Thật tự hào, khi Quận Thanh Xuân nằm trong vùng đất cổ có nhiều dấu ấn lịch sử văn hoá. Những địa danh Kẻ Mọc, Tam Khương luôn gắn với Thăng Long - Hà Nội.Trong quá trình hình thành với nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, nhưng dù thuộc địa phương nào, Thanh Xuân ngày nay vẫn là miền đất gắn bó chặt chẽ với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Đầu thế kỷ XX, khi có con đường cái quan số 6 chạy qua địa bàn, quận Thanh Xuân trở thành cửa ngõ quan trọng ra vào Hà Nội, là cầu nối trọng yếu với vùng Tây Bắc. Về đường thuỷ, Thanh Xuân có sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét chảy qua. Về đường sắt, tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua địa bàn quận với khoảng hơn 1km. Do vị trí như vậy, nên mọi diễn biến về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội của Hà Nội đều tác động đến Thanh Xuân và ngược lại. Vì thế, các con rất sôi nổi khi được tìm hiểu, lắng nghe, quan sát những hình ảnh về quận Thanh Xuân trên con đường xây dựng và phát triển.
Đặc biệt hơn, trong tiết Sinh hoạt chủ đề, các con còn được xem nhiều thước phim, video, tranh ảnh về các danh nhân,di tích lịch sử, lễ hội truyền thống tiêu biểu của quận Thanh Xuân. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, tụ khí anh hoa, quận Thanh Xuân trở thành một trong những trung tâm, cái nôi hội tụ tinh hoa văn hóa, để rồi từ đây, tinh hoa văn hóa ấy lại được truyền tỏa đến mọi miền của đất nước. Trên nền tảng của truyền thống hiếu học, từ bao đời nay, người dân Thanh Xuân đã xây dựng cho mình nếp sống thuần phong mỹ tục. Nét đẹp ấy được thể hiện trong các tập tục, trong các mối quan hệ ứng xử giữa cá nhân với dòng họ, với cộng đồng, giữa các dòng họ, giữa các làng xã với nhau và cao hơn là trong mối quan hệ với quốc gia, dân tộc. Trong cái nôi của nền văn minh nông nghiệp lúa nước vùng châu thổ sông Hồng, Nhân dân Thanh Xuân luôn tự hào về những truyền thống tốt đẹp của quê hương. Người dân nơi đây đã tạo dựng nên một bản sắc văn hoá đậm nét, tiêu biểu cho vùng đất của mình. Nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng luôn được coi trọng, gìn giữ.
Sự hình thành cộng đồng cư dân trên địa bàn quận Thanh Xuân trải dài qua nhiều thế kỷ. Cùng với quá trình cộng cư đó là việc xây dựng các thiết chế văn hóa, nếp sống, tục lệ và nhiều cơ sở tôn giáo tín ngưỡng. Tại các làng xã của Kẻ Mọc, Ông Đình xưa, hiện còn lưu lại nhiều di tích cổ phản ánh đời sống tâm linh vô cùng phong phú của cư dân vùng này. Đó là hệ thống chùa: chùa Bồ Đề (thôn Hoa Kinh), chùa Sùng Phúc (thôn Quan Nhân), chùa Phúc Lâm (thôn Giáp Nhất) - nay thuộc phường Nhân Chính; chùa Tam Huyền (Sùng Phúc tự - thôn Thượng Đình) nay thuộc phường Hạ Đình;… cho thấy tín ngưỡng Phật giáo trên địa bàn rất phát triển.
Đình Vòng còn gọi là đình Hạ - Mọc Hạ Đình (phường Hạ Đình), có niên đại khoảng thế kỷ XVI - XVII. Tại đình phối thờ 9 vị quan người làng Mọc Hạ Đình là những người có công với dân, với nước
Sắc phong niên hiệu Tự Đức triều Nguyễn ban cho đình Vòng năm 1846
Sắc phong niên hiệu Tự Đức triều Nguyễn ban cho đình Vòng năm 1880
Gắn liền với tục lệ thờ Thành hoàng làng đó chính là các lễ hội. Hiện
nay, trên địa bàn quận Thanh Xuân có 10 lễ hội được tổ chức chủ yếu vào dịp đầu
năm âm lịch. Đây là sự kiện để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị
Thành hoàng làng đối với cộng đồng dân cư, đồng thời là dịp để giáo dục truyền
thống, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những
giá trị đạo
Lễ hội 5 làng Mọc (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân)
Ngoài ra, Thanh Xuân còn là vùng đất có truyền thống hiếu học. Miền đất này đã sinh ra và nuôi dưỡng nhiều tài năng, là niềm tự hào của quê hương. Nhiều người đã đỗ đạt Tiến sĩ, Phó bảng như: Ông Đỗ Lệnh Danh (1667-1747), Thượng thư Bộ Hình (làng Khương Hạ); danh nhân Đặng Trần Côn (1715-1745), cây đại thụ của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trải hàng ngàn năm luôn gắn liền với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập, tự chủ. Làng quê nào, vùng miền nào trong quá trình hình thành và phát triển cũng tạo dựng nên cho quê hương truyền thống yêu nước quý báu ấy. Đi cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, người dân Thanh Xuân đã thể hiện hết mình trong các cuộc trường chinh giữ nước.
Giữa thế kỷ XV, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chính thức nổ ra tại núi rừng Lam Sơn, Thanh Hoá. Sau một thời gian hoạt động trên địa bàn Thanh Hoá, tháng 9 năm 1426, Lê Lợi quyết định tiến quân ra Bắc. Trong cuộc chiến đấu tại thành Đông Quan, tuy chiến trường chính diễn ra trên địa bàn Nhân Mục, nhưng trên thực tế chiến sự loang rộng trên địa bàn các xã thôn Cự Lộc, Quan Nhân, Hoa Kinh sang đến Hạ Đình, Thượng Đình,... Nhân dân các địa phương này cũng đã có những đóng góp nhất định trong hai trận thắng ròn rã của nghĩa quân Lam Sơn ở cầu Nhân Mục, đã góp phần tạo nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hay nói rộng hơn là thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của nhà Minh đầu thế kỷ XV.
Đến thế kỷ XVIII, Nhân dân Thanh Xuân đã cùng nghĩa quân Tây Sơn đánh bại quân Thanh trong mùa xuân Kỷ Dậu (1789). Các trận đánh diễn ra ở Thăng Long được coi là tiêu biểu và có ý nghĩa quyết định nhất trong cuộc kháng chiến là trận Ngọc Hồi và trận Khương Thượng. Nhân dân các làng xã Nhân Mục, Giáp Nhất, Hoa Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân, Thượng Đình, Hạ Đình, Khương Đình cũng có những đóng góp rất tích cực cho chiến thắng Khương Thượng - Đống Đa lịch sử. Hình ảnh con rồng lửa trong lễ hội hằng năm của làng Khương Đình và các làng khác trong khu vực đã phản ánh sinh động chiến thắng của “Xuân lửa Đống Đa” ngày mồng 05 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789).
Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, trên địa bàn quận Thanh Xuân đã xuất hiện biết bao tấm gương yêu nước như: Đốc học Lê Đình Diên; Tri phủ Lê Cơ; cử nhân Tri huyện Nguyễn Hữu Dương; nhà giáo Nguyễn Hào, Nguyễn Thuỵ; ông Nguyễn Văn Diếc, người đã chế tạo quả bom gây nổ ở khách sạn “Con gà vàng” phố Tràng Tiền ngày 26/4/1913, giết chết tên quan ba Pháp là Sapuy; gia đình ông Hàn Bình ở Nhân Chính có hai người con gái là Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Minh Giang (tức Nguyễn Thị Quang Thái) tham gia hoạt động cách mạng thuộc Đảng Tân Việt,...
Đình Quan Nhân (phường Nhân Chính) có niên đại khởi dựng khoảng thế kỷ XVII-XVIII, năm 1989 được xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật.
Ngày 25/8/2006, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3771/QĐ-UBND về gắn biển Di tích cách mạng kháng chiến tại đình Quan Nhân
Hưởng niềm vui độc lập chưa được bao lâu, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch (19/12/1946), Nhân dân quận Thanh Xuân lại cùng nhân dân cả nước cầm vũ khí đứng lên tiến cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Trong trận đánh sân bay Bạch Mai đêm 17 rạng ngày 18/01/1950, du kích đã dẫn đường cho đơn vị bộ đội 108 tập kích sân bay Bạch Mai phá hủy 25 máy bay, 32 tấn vũ khí đạn dược, đốt cháy trên 60 vạn lít xăng... Thắng lợi vẻ vang này có sự đóng góp công lao của du kích các làng Khương Trung, Khương Đình, Hạ Đình, Thượng Đình …
Những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ sau này, nhân dân quận Thanh Xuân cùng nhân dân Hà Nội làm nên chiến thắng vang dội trận Điện Biên phủ trên không trong những ngày cuối Đông 1972. Đây là đòn đánh quyết định buộc đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán tại Hội nghị Paris (1973), tạo điều kiện thuận lợi cho quân dân ta làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B.52 của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (12/1972) tại Sở chỉ huy K18 (trong sân bay Bạch Mai, Thanh Xuân, Hà Nội)
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, quận Thanh Xuân đã đổi thay rất nhiều: “Đẹp hơn, văn minh hơn, dáng dấp của một đô thị hiện đại đang hiện hữu”: Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Royal City, Hapulico, Imperia Garden,... cao, đẹp; tuyến đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn,... tạo điểm nhấn về giao thông đô thị; các thiết chế văn hóa và thể thao được mở rộng, nâng cấp; cuộc sống của người dân được nâng cao cả về tinh thần và vật chất góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Công ty Cơ khí Hà Nội xưa nay là Trung tâm
Thương mại - Dịch vụ Royal City
Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, xã Nhân Chính - huyện Từ Liêm (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) là một trong những vùng có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao của thành phố Hà Nội nay được chuyển đổi thành Công viên Thanh Xuân với những tòa nhà cao tầng hiện đại.
Với những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực phát triển văn hóa trong 25 năm qua của quận gắn với vùng đất, con người, truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống văn hoá và di sản quận Thanh Xuân là hành trang rất quan trọng, tiền đề vững chắc để tiếp tục xây dựng quận Thanh Xuân phát triển toàn diện, bền vững, từng bước hiện đại trong tình hình mới..