Những khuôn mặt ngây ngô, những nụ cười hồn hậu, những ánh mắt ngơ ngác nhìn lên bục giảng, dõi theo lời giảng của cô mỗi ngày khiến cô giáo Nguyễn Thị Phượng Ngọc không thể rời xa lớp học ghép- thiểu năng trí tuệ của Trung tâm GDTX Thanh Xuân. Hơn 10 năm gắn bó với lớp, cô giáo Phượng bảo: Càng gắn bó với các em, tôi càng thấy thương và mong muốn bù đắp phần nào những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu. Nhiều lúc, thấy việc dạy dỗ các em quá khó khăn, tôi đã cảm thấy tủi thân và nản lòng, nhưng cảm giác ấy cũng qua nhanh, bởi các em đã trở thành một phần máu thịt của tôi…
Học sinh tiểu học…35 tuổi
Sinh năm 1977, giờ đây Trần Công Thành vẫn là “cậu” học trò học chương trình tiểu học ở lớp ghép - thiểu năng trí tuệ của cô giáo Ngọc. Thành nhiều tuổi hơn cả cô giáo, đã theo học ở lớp được hơn 10 năm nhưng nhất định không chịu rời xa lớp. Giờ đây, Thành chỉ muốn đợc đến lớp để được nghe cô giáo Ngọc dạy bảo, trò chuyện và chung vui với các bạn. Thành bị thiểu năng trí tuệ, ẩn trong thể xác to lớn là sự ngây ngô của một đứa trẻ. Khi mới đến lớp, Thành không biết một kỹ năng sống nào, cuộc sống của cậu hoàn toàn vô thức, thậm chí Thành còn không biết vệ sinh cá nhân cho mình. Nhưng khoảng 4,5 năm gần đây, Thành đã có nhiều chuyển biến đáng kể, cậu đã biết làm một số việc phục vụ cho bản thân, biết đọc, làm các phép toán đơn giản và viết chính tả. Niềm vui trong mắt bố mẹ cậu ánh lên khi nói với cô giáo: “Thành nó đã biết tự tắm rồi cô ạ!”. Hành vi tưởng chừng đơn giản đến vậy thôi nhưng là cả một quá trình nỗ lực đáng kể của cô và của trò. Trong khi gia đình không biết xoay sở thế nào thì cô giáo Ngọc lại là người chỉ bảo, hướng dẫn Thành từng li, từng tí, mang lại cho cậu học trò lớn tuổi những sự chuyển biến đáng mừng.
Học sinh hào hứng với đồ dùng dạy học mới của cô giáo Ngọc
Giống như Thành, em Lê Phương Thảo cũng đã gắn bó với lớp học của cô giáo Ngọc hơn 10 năm, từ khi em mới 8 tuổi. Giờ đây, ở tuổi 18, em vẫn ngày ngày đến lớp để học, để vui và được hòa nhập. Thảo cũng đến lớp với sự ngây ngô, ngơ ngẩn của một đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ, không biết đường đến lớp, không biết làm việc gì dù là nhỏ nhất. Giờ đây, dưới sự dìu dắt của cô giáo Ngọc, Thảo đã biết tự đi học, biết đọc, biết làm toán, biết cả diễn kịch, hát múa rồi còn giúp bố mẹ một số công việc vặt trong gia đình.
Lớp học ghép - thiểu năng trí tuệ của cô giáo Ngọc giờ đang đón nhận 19 học trò, nhỏ tuổi nhất là 9 tuổi, lớn tuổi nhất là 35 tuổi, học cùng một trình độ. Mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, song chủ yếu đều là con nhà khó khăn, sức khỏe không ổn định, tâm tính cũng thường xuyên thay đổi. Có em bị bại não, có em tự kỷ, em bị thiểu năng trí tuệ do ảnh hưởng di chứng chất độc da cam…Hầu hết các em gặp khó khăn trong giao tiếp, hành vi và không dễ gần gũi tiếp cận. Vậy mà, cô giáo Ngọc đã không e ngại khi bên cạnh các em hơn 10 năm nay. Tên cô giáo đã trở nên thân thiết, gần gũi với đám học trò ngây ngô. Từ những học trò hành động hoàn toàn theo bản năng, sau một thời gian được cô Ngọc dạy dỗ đã trở nên có nền nếp, biết nghe lời, biết giữ kỷ luật lớp học và làm quen với đọc, viết các kiến thức đơn giản.
Bác Cung Gia Cư - phụ huynh học sinh Cung Sỹ Thu (SN 1983), đã theo học ở lớp được gần 10 năm bộc bạch: Nhìn thấy con được hòa nhập, vui vẻ và hoạt bát hơn chúng tôi thấy không còn gì ý nghĩa hơn. Lớp học còn được đến bây giờ là bởi sự quan tâm của xã hội, của Trung tâm GDTX Thanh Xuân và nhất là của cô giáo Ngọc. Cô dạy con em chúng tôi bằng cái tâm, bằng tình thương chứ không vì lý do nào khác. Đó là điều chúng tôi thấy giá trị nhất.
Sáng tạo bởi yêu nghề, thương trò
Tại Hội thi Đồ dùng dạy học tự làm năm học 2011-2012 cụm I - Giáo dục thường xuyên mới đây, đồ dùng dạy học có tên “Gắn hình vào đúng vị trí” và “Cộng trừ trong phạm vi 20 (dành cho học sinh lớp ghép - thiểu năng trí tuệ)” của cô giáo Nguyễn Thị Phượng Ngọc đến từ TT GDTX Thanh Xuân đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Sự quan tâm ấy không phải bởi sản phẩm quá độc đáo hay cầu kỳ mà bởi nó mang tính sáng tạo và nhân văn sâu sắc. Cô giáo Ngọc cho biết: Các em học sinh của lớp có điểm chung là tư duy kém, trí tuệ chậm phát triển, nhanh quên và ghi nhớ một cách máy móc…Vì vậy, ở trên lớp, ngoài việc tiếp cận, trò chuyện để hiểu rõ về đặc điểm tính cách của từng em, tôi còn rất quan tâm và chú trọng đến việc dạy những kiến thức giúp các em biết đọc, biết viết và thậm chí còn biết làm toán, vì tất cả các em đều có mong muốn được đi học và hòa nhập. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm thế nào để những học sinh “đặc biệt” của mình có thể thực hiện một phép tính cơ bản và đơn giản nhất cho kết quả đúng?
Cô và trò cùng vui diễn kịch
Trăn trở tìm những cách dạy phù hợp với đối tượng học sinh của mình, cô giáo Ngọc đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau, như sử dụng các que tính. Nhưng học sinh của cô vẫn không thể sử dụng được, vì khi đếm que tính thì các em vừa đếm, vừa quên số mình vừa đếm, giáo viên cho học thuộc một cách máy móc mà các em cũng không thể ghi nhớ được. Điều này khiến cô giáo Ngọc rất vất vả giúp các em học suốt cả buổi, thậm chí cả tuần chỉ để làm một phép tính. “Nhưng cứ làm hôm nay, hôm sau các em lại quên, sai lung tung và không nhớ được cách làm”- Cô giáo Ngọc chia sẻ.
Xuất phát từ thực tế của lớp và đặc điểm mỗi học sinh, cô giáo Ngọc đã mày mò, rồi dày công làm đồ dùng dạy học “Cộng trừ trong phạm vi 20” để giúp các em có thể thực hiện được những phép tính đơn giản nhất một cách máy móc qua sự hướng dẫn của giáo viên. Đồ dùng dạy học này được cô Ngọc làm trên mặt bảng gỗ dán mặt Phooc mi ca, giấy đề can màu, dây sợi nhỏ, bìa nhựa và 2 con vít. Trên mặt bảng có dãy số từ 0 đến 20, với sự chỉ dẫn của 2 chiếc kim màu xanh, đỏ, giúp học sinh cộng, trừ một cách thủ công các con số.
Cô giáo Ngọc đã đa sản phẩm này vào dạy học cho các em. Qua thực tế giảng dạy cho thấy cách dạy này đã lôi cuốn tất cả học sinh cùng tham gia, các em thích thú khám phá sản phẩm lạ lẫm này và đã có thể tự làm những phép tính cơ bản nhất, phù hợp với khả năng, nhận thức và trình độ hiểu biết của mỗi học sinh.
Theo cô Ngọc: Sản phẩm này của tôi còn khá đơn giản, nhưng tôi vẫn mạnh dạn xây dựng ý tưởng rồi hoàn thiện và đa vào sử dụng trên lớp, với mong muốn giúp học sinh thực hiện phép tính đơn giản một cách máy móc như đúng đặc thù của các em.
Tốt nghiệp khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, về nhận công tác tại Trung tâm GDTX Thanh Xuân, cô giáo Ngọc đã vượt qua nhiều khó khăn để gắn bó với nghề, với những học trò “đặc biệt” của mình. Tâm huyết, sáng tạo, trách nhiệm trong công việc, cô giáo Ngọc đã được UBND quận Thanh Xuân tặng bằng khen do có nhiều thành tích trong giáo dục trẻ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Tuy thu nhập, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, nhưng cô giáo Ngọc không ngại khó, ngại khổ mà chuyên tâm lăn lộn với nghề, với trò. Cô tâm niệm: Học sinh bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ đã là một thiệt thòi lớn với các em. Giúp các em trưởng thành được phần nào là mình đã thêm niềm vui ngần ấy. Chỉ mong lớp học được quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, hỗ trợ thêm phương tiện dạy học, trang thiết bị học tập, chương trình dạy để cô và trò phát huy hơn nữa hiệu quả trong mỗi ngày đến lớp, trong niềm tin tưởng, mong đợi của các bậc cha mẹ học sinh…