Đêm nay – đêm cuối thu nhưng lại là đầu đông, ngọn gió se se lạnh đã đưa mỗi người vào giấc ngủ sau một ngày làm việc. Tôi thao thức nghĩ tới hành trình gắn bó với giáo dục, nghĩ tới mái trường THCS Nhân Chính thân yêu của tôi - nơi đã cho tôi biết bao kỉ niệm tuyệt vời.
Ngôi trường tôi đang công tác, nếu xét về quy mô và độ bề thế thì có thể lép vế hơn so với những ngôi trường xây dựng sau này. Thế nhưng khi nói tới điểm mạnh của nhà trường, trường tôi rất tự hào khi có đội ngũ các thầy cô giáo nhiệt tình, tâm huyết, có các con học sinh chăm ngoan, giàu ý chí vươn lên trong học tập. Và trên hết, trường tôi có những phụ huynh rất tuyệt vời sẵn sàng đứng sau hỗ trợ nhà trường với tình cảm kính trọng và niềm tin tuyệt đối dành cho các thầy cô. Trong số đó, hình ảnh một Trưởng ban phụ huynh gương mẫu, một người cha giàu lòng yêu thương con, một người luôn hăng hái trong công tác thiện nguyện cùng những hành động đẹp có sức lan tỏa đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc hơn cả. Và tôi xin được viết về anh - một phụ huynh với nhiều việc làm thầm lặng mà đáng quý đã lan tỏa cho tôi nhiều năng lượng tích cực.
Anh chính là Nguyễn Xuân Việt – Trưởng ban phụ huynh lớp 7A1. Tôi viết về anh không phải vì tôi là giáo viên chủ nhiệm của lớp con anh học nên viết bài ngợi ca, mà hơn hết, tôi nghĩ tất cả các phụ huynh trong lớp, những thầy cô giảng dạy ở lớp và cả bạn bè, đồng nghiệp của anh đều nghĩ như tôi – đơn giản vì anh xứng đáng.
Anh Nguyễn Xuân Việt sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức tại xã Đại Tộc – huyện Khoái Châu – tỉnh Hưng Yên. Ngay từ nhỏ, anh đã được gia đình quan tâm, chú ý đến việc học. Cha anh là người ham đọc sách và đặc biệt rất quý thầy, trọng cô. Trong suy nghĩ của cha anh thì “Thầy cô giáo là những người đáng kính trọng nhất”. Có lẽ thấm nhuần tư tưởng đó mà trong suốt quãng thời gian cắp sách đến trường, anh luôn rất ngoan ngoãn và vâng lời thầy cô giáo. Hằng ngày, ngoài giờ học, anh thường cùng với các bạn bè đồng trang lứa tham gia đi gặt lúa, bẻ ngô để giúp đỡ các bạn nhỏ trong xã có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Bởi anh luôn luôn ghi nhớ lời cha dặn: “Khi ta cảm thấy yêu thương và tử tế với người khác, điều đó không chỉ làm người khác cảm thấy được yêu thương và chăm sóc, mà còn giúp ta tìm được hạnh phúc và bình an trong tâm hồn mình”. Chính từ quan điểm giáo dục giàu lòng nhân ái đó mà khi trưởng thành, đặc biệt là thời điểm tôi mắn mắn được gặp anh, thì anh đã trở thành một “đại sứ của yêu thương”, ít nhất là trong suy nghĩ của tôi – cô giáo chủ nhiệm của lớp con trai anh.
Với tư cách là phụ huynh học sinh, ngay từ cuộc họp CMHS đầu năm học, trong khi rất nhiều các bố mẹ còn rụt rè, bỡ ngỡ thì anh đã xung phong vào Ban phụ huynh của lớp, anh chủ động đưa ra rất nhiều những việc làm thiết thực làm thay đổi bộ mặt của lớp học: anh đã đứng ra tự nguyện thay mới tất cả quạt trần, thay mới bàn ghế cho thầy cô giáo, mua tủ sách mới cho lớp học, trang bị loa đài, tủ uống nước để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của thầy cô và các con. Và có lẽ đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của anh ngày ấy, cái bóng dáng lặng lẽ, âm thầm chờ các con tan học rồi vào lớp tự mình lắp quạt và kiểm tra mọi thứ thật cẩn thật khiến tôi xúc động biết bao. Thế rồi, từ những việc làm thầm lặng của anh, rất nhiều các phụ huynh khác trong lớp lần lượt ủng hộ lớp sơn lại tường lớp học, thay mới màn chiếu, kệ sách.... Và chỉ sau một thời gian ngắn, lớp tôi trở nên đẹp đẽ một cách lạ thường, nó khiến tôi thêm yêu lớp học của mình, thêm yêu nghề giáo viên tôi đã chọn, thêm gắn bó với các con học sinh thân yêu. Lúc đó, tôi chợt hiểu ra, lớp học của tôi đẹp, không phải chỉ vì nó được trang hoàng đẹp, mà nó dường như đẹp hơn lên bởi tấm lòng nhân hậu của những phụ huynh hào hiệp, đáng yêu, đáng quý như anh.
Nhưng sự nhiệt tình và tâm huyết của anh không chỉ dừng lại ở đấy, trong năm học 2020 -2021, khi đại dịch Covid-19 đến bất ngờ đã gây ra rất nhiều tổn thất về vật chất và tinh thần cho mọi người, trong số đó có cả những gia đình phụ huynh trong lớp tôi chủ nhiệm: công việc bị ảnh hưởng, người không có việc làm, người phải ở nhà nhận trợ cấp thất nghiệp, và điều đó lại ảnh hưởng trực tiếp tới việc học hành của các con. Nhận ra những khó khăn đó, anh Việt đã chủ động trao đổi với tôi và các phụ huynh khác quyên góp, ủng hộ hai học sinh trong lớp có hoàn cảnh khó khăn hai chiếc điện thoại thông minh để các con có phương tiện học tập trực tuyến ngay tại thời điểm đó, nhờ vậy mà việc học của các con không bị gián đoạn. Sau việc làm có ý nghĩa thiết thực của anh, rất nhiều phụ huynh trong lớp tôi đã chủ động xin được quyên góp, ủng hộ cả vật chất và đồ dùng học tập cho các con học sinh trong và ngoài lớp. Lớp học của tôi ở thời điểm đó thực sự là lớp học của tình thương, của sự đùm bọc, sẻ chia, anh đã cùng với các phụ huynh khác chứng minh cho một chân lí “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” thật cảm động và giản đơn biết chừng nào. Và anh cũng chính là phụ huynh mở đầu cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” của trường chúng tôi.
Trong cuộc sống hằng ngày, anh Việt là một người chồng, người cha mẫu mực. Anh luôn quan tâm vun vén cho gia đình nhỏ của mình. Với vợ, anh là một người chồng tâm lí và luôn yêu thương vợ. Còn với hai con trai nhỏ, anh có phương pháp dạy con rất khoa học. Khi các con đã đến tuổi nhận thức, để rèn cho các con tính tự lập, anh luôn khích lệ các con tự làm những việc trong khả năng của chúng, kể cả lần đầu tiên các con có làm hỏng, làm sai. Trong học tập, anh rất nghiêm khắc và đòi hỏi các con có tính tự giác cao. Anh luôn nói với các con: “Việc hôm nay chớ để ngày mai. Các con phải hoàn thành bài tập thầy cô giáo giao trong ngày”. Và trên thực tế, tối nào anh cũng dành thời gian ngồi học bài cùng con. Có lẽ cũng nhờ sự quan tâm và phương pháp dạy con khoa học đó mà hai con trai của anh học giỏi và rất ngoan ngoãn. Con trai lớn Đăng Dương của anh trong năm học lớp 6 đạt danh hiệu Học sinh Giỏi với điểm trung bình cả năm là 8.9. Vào các dịp cuối tuần, anh luôn tranh thủ đưa cả nhà đi chơi để các con được thư giãn và tình cảm gia đình ngày càng gắn kết. Có lẽ vì thế mà gia đình anh luôn ngập tràn tiếng cười và niềm hạnh phúc.
Ngoài xã hội, anh Việt là một công dân gương mẫu. Anh đã tham gia rất nhiều công tác thiện nguyện có ích và đáng được ngợi ca. Trong đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ ngày 24/7 vừa qua, anh đã tình nguyện tham gia tổ Covid cộng đồng ở tổ dân phố nơi anh ở ngõ 21, phố Quan Nhân. Hằng ngày, vào mỗi buổi chiều sau giờ làm việc, anh thường cần mẫn ngồi trực từ 5h chiều đến 9h tối để hạn chế người ra vào ngõ theo chỉ thị 16, góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống Covid-19 tại thời điểm đó.
Không chỉ tích cực trên mặt trận chống Covid-19, anh Việt còn rất hăng hái trong các hoạt động nhân đạo khác. Với suy nghĩ rất giàu tính nhân văn: “Yêu thương chỉ lan tỏa qua chia sẻ. Bạn chỉ có thể có nhiều yêu thương hơn cho mình bằng cách trao đi yêu thương”, ngay từ năm 2015, anh Việt đã nhiều lần tham gia hiến máu nhân đạo, thậm chí trong năm ngoái, khi đợt dịch Covid bùng phát lần thứ 1, anh đã không ngại ngần sự lây lan của dịch bệnh mà sẵn sàng hiến máu trực tiếp cho bệnh nhân nặng cần máu trong tình trạng khẩn cấp. Rồi khi về đến nhà, trong khi người thân còn đang lo lắng thì anh chỉ cười hiền lành và trấn an mọi người bằng một câu nói nhẹ nhàng, thấm thía mà đến giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi: “Chúng ta hãy cho đi khi còn có thể, mỗi giọt máu của chúng ta thật quý giá, vậy thì chúng ta hãy mang sự quý giá đó tặng cho những người khác, bởi tính mạng của họ còn đáng quý hơn”. Những hành động giúp người vô tư đó, những nghĩa cử cao đẹp đó thật đáng được khen ngợi, biểu dương.
Rồi tiếp tục cuộc hành trình định nghĩa yêu thương chưa có điểm dừng đó, từ năm 2018 đến nay, anh đã tham gia rất nhiều công tác thiện nguyện. Lúc thì vượt qua hơn 1300 km trong đó có hơn 600 km đèo dốc chỉ để mang áo ấm cho học sinh điểm trường Pá Hạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu theo chương trình thiện nguyện “Hành trình đông ấm biên cương” do đoàn từ thiện Cát Linh tổ chức. Sau chuyến đi này, anh đã từng tâm sự: “Học sinh vùng cao khổ lắm, trời mưa rét căm căm mà các em cũng chỉ mặc trên người có một manh áo mỏng, chân đi dép lê, có em còn đi chân đất. Thầy cô giáo vùng cao cũng rất vất vả khi hằng ngày phải trèo đèo, lội suối, băng qua những con đường lởm chởm đá tai mèo để đến được điểm dạy, mình cảm thấy rất thương”. Và trong khi tâm sự, tôi cảm nhận được khóe mắt anh như ươn ướt vì xúc động, cảm thương.
Có lẽ cũng chính vì tình thương với các em nhỏ vùng cao mà ngay trong năm ấy, đoàn từ thiện của anh tiếp tục đến với mảnh đất Sơn La để mang cho các em nhỏ ở đây những chiếc áo ấm, những bữa cơm nóng hổi chan chứa tình yêu thương. Trong chuyến đi này, anh đã trực tiếp lái xe máy cùng với cô giáo vùng cao băng qua một con đường đất mà bên này là vách cao, bên kia là vực sâu rất nguy hiểm. Anh kể lại đó là “con đường gian khổ” bởi ở đây, các thầy cô không chỉ lái xe máy bằng tay mà họ còn phải kết hợp với cả đôi chân, vừa chống, vừa đẩy hai bên để giữ cho xe cân bằng quả thật rất vất vả. Sau khi đến điểm trường, nhìn thấy lớp học xiêu vẹo, nhìn thấy những đứa trẻ đầu trần, đi chân đất, anh đã bật khóc. Có lẽ đó chính là giọt nước mắt của tình yêu thương, bởi hơn bao giờ hết, anh đã cảm nhận được sâu sắc nhất sự khó khăn, gian khổ của thầy cô và những học trò nhỏ nơi đây. Cử chỉ cúi xuống, thay đôi ủng mới cho một em nhỏ vùng cao của anh thật khiến tôi rưng rưng xúc động. Với tôi, đó không chỉ đơn giản là hành động của một người đi làm công tác tình nguyện, mà đó còn là biểu hiện của một người cha quan tâm, xót thương cho đứa con ruột của mình.
Rồi một mùa đông nữa lại về, mang theo cái lạnh cắt da cắt thịt đến với các bản làng vùng cao biên giới. Anh Trưởng ban phụ huynh lớp tôi lại tiếp tục cuộc hành trình từ thiện thầm lặng của mình mang áo ấm đến cho trẻ em vùng cao ở huyện Bảo Lâm, Cao Bằng. Vẫn với cử chỉ ân cần, khiêm tốn, vẫn với cái nhìn đầy tình yêu thương, trìu mến, anh đã mang đến cho các bạn nhỏ nơi đây những khoảnh khắc đáng nhớ không thể nào quên.
Chia tay các em nhỏ ở Cao Bằng, anh Việt lại cùng các thành viên trong nhóm từ thiện Cát Linh ngồi cần mẫn, tỉ mỉ sắp xếp sách vở, hộp bút, bút bi, bút chì để chuẩn bị cho hành trình yêu thương tiếp theo. Điểm đến lần này của nhóm là huyện Xí Mần của tỉnh Hà Giang – vùng đất địa đầu của Tổ quốc. Vẫn với nụ cười đôn hậu, ấm áp, vẫn với những cử chỉ quan tâm quen thuộc, anh đã mang đến những tia nắng của tình thương yêu sưởi ấm nụ cười của những em bé ngây thơ nơi đây.
Vào cuối năm 2019, anh lại tiếp tục có chuyến đi từ thiện trao tặng kính thuốc cùng nhóm “Hoa Sen Vàng” cho học sinh tiểu học Thị trấn Đông Anh, Hà Nội. Xuất phát từ quan điểm “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, với tất cả chúng ta, đôi mắt là tài sản lớn nhất. Đặc biệt với đối tượng học sinh tiểu học, các em còn rất non nớt, chưa có ý thức tự bảo vệ đôi mắt của mình, hiện trạng các em học sinh bị cận ngày càng gia tăng nhưng đôi khi chưa được gia đình chú ý kịp thời hoặc nhiều gia đình chưa có điều kiện đưa con đi khám mắt. Từ thực tế đó, anh cùng nhóm từ thiện đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ kính thuốc và mời các bác sĩ chuyên khoa mắt về đo khám cho các em học sinh. Qua buổi từ thiện của anh, rất nhiều các em có tật về mắt đã được phát hiện kịp thời và được đeo kính phù hợp với tình hình mắt hiện tại. Nhìn khuôn mặt tươi sáng của các em sau khi được trao tặng kính thuốc, anh tâm sự “cảm thấy mình hạnh phúc ngập tràn”.
Vào tháng 5 năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 ở Bắc Giang đang diễn biến phức tạp, nhiều ổ dịch mới ở các khu công nghiệp được phát hiện, Bắc Giang đang oằn mình chống dịch và cần lắm sự chung tay của cả nước hỗ trợ người dân Bắc Giang chống lại dịch bệnh thì anh Việt đã cùng với nhóm Hoa Sen Vàng kêu gọi hỗ trợ và đến tận tâm dịch để trao tặng vật phẩm chống dịch cho người dân khu vực Hiệp Hòa, Bắc Giang. Những tặng phẩm như nước rửa tay, khẩu trang, bảo hộ y tế của nhóm các anh được đưa đến kịp thời đã góp một không nhỏ trong việc giúp người dân Bắc Giang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Gần đây nhất là chuyến đi từ thiện lên Mộc Châu, Sơn La của anh vào ngày 11 tháng 12 vừa qua. Anh đã cùng với những người bạn trong nhóm tình nguyện lên thực tế kiểm tra việc xây dựng một ngôi trường cấp I cho học sinh. Trong chuyến đi này, đoàn từ thiện của anh đã ủng hộ rất nhiều các đồ dùng học tập và đặc biệt là ủng hộ quạt mát cho nhà trường. Những việc làm của anh đã được các cấp chính quyền ở địa phương huyện Mộc Châu, Sơn La rất mực khen ngợi.
Tôi cảm thấy rất may mắn được làm giáo viên chủ nhiệm của con anh trong hơn một năm học vừa qua. Anh đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc kêu gọi tinh thần đoàn kết, làm nên sức mạnh trong tập thể phụ huynh lớp tôi. Chính tính cách cởi mở, thân thiện cùng những hành động hào hiệp và những chuyến thiện nguyện thầm lặng của anh đã để lại một ấn tượng đặc biệt trong trái tim tôi. Chính anh, hơn lúc nào hết, đã giúp tôi sáng tỏ một chân lí rằng: “Yêu thương không chỉ là một danh từ. Nó là một động từ. Nó không chỉ là cảm xúc, nó là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ và hi sinh”. Và ngay ở thời điểm hiện tại, khi viết bài này, tôi không còn là giáo viên chủ nhiệm của lớp con anh nữa, nhưng tôi vẫn cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực tỏa ra từ những suy nghĩ và những việc làm đẹp của anh. Tôi vẫn luôn tin tưởng và hi vọng rằng, với tấm lòng đôn hậu giàu tình yêu thương của anh, hành trình tiếp nối yêu thương của anh và nhóm thiện nguyện sẽ mãi mãi không có điểm dừng. Trong tương lai, anh sẽ còn tiếp tục mang đến nhiều tia nắng xuân ấm áp cho những trẻ em miền núi. Nghĩ đến đây, tôi bất chợt nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, những câu thơ thật hay, cũng thật giống với lí tưởng sống của anh: