Đây là chia sẻ của nam sinh trường THPT Tử Đà - Phù Ninh (Phú Thọ) đã tự quỳ gối, khóc nức nở, lần đầu tiên nhận lỗi do từng giận bố mẹ vô cớ và chưa làm được điều gì cho bố mẹ trong chuyên đề về: "Lòng biết ơn" ở trường học của mình.
Thời gian để yêu thương bố mẹ là bao lâu?
Tại buổi học chuyên đề về "Lòng biết ơn" trường THPT Tử Đà - Phù Ninh (Phú Thọ), thầy giáo Đỗ Thái Đăng đã đặt câu hỏi với các bạn học sinh “thời gian để ở bên bố mẹ còn bao lâu?", trong khi mỗi dịp Tết đến, chúng ta lớn thêm một tuổi, trưởng thành hơn thì cũng đồng nghĩa lưng bố mẹ sẽ còng hơn, tóc bố mẹ bạc hơn.
Thầy giáo Đăng chia sẻ, đến một tầm tuổi nào đó các em học sinh sẽ khao khát muốn được nghe tiếng bố mẹ quát thật to, càng to càng tốt, khi đó thay vì thấy buồn, thấy sợ thì các em sẽ vui vẻ vì biết được bố mẹ còn đang khỏe, là còn sức để mắng mình.
Ngoài ra, hiện nay độ tuổi trung bình người Việt Nam là 65 tuổi và bố mẹ các bạn học sinh cấp 3 thường sẽ trong khoảng 45 tuổi. Như vậy tính từ bây giờ mỗi khi tết đến, bên cạnh những niềm vui về mặt lý thuyết chúng ta chỉ còn hơn 20 cái Tết nữa được ở bên cạnh bố mẹ.
Giả sử thời gian trôi nhanh hơn một chút, chúng ta sẽ chỉ còn 20...19...18...cái tết nữa được ở bên cạnh bố mẹ, liệu có đủ để chúng ta thể hiện lòng biết ơn và sự yêu thương bậc sinh thành ra mình.
Hình như thời gian đang trôi đi rất nhanh, đã bao giờ các bạn trẻ để ý sao ngày hôm qua tóc mẹ trắng mà hôm nay tóc mẹ lại đen? Đó là khi tóc mẹ đã bạc hết mái đầu, từ rất lâu rồi mẹ đã phải nhuộm tóc đen, nhưng chúng ta ít ai nhận ra được điều đó, mẹ đã không còn trẻ nữa.
Nghe đến đây, tất cả các bạn học sinh đều đã bật khóc, những giọt nước mắt như thức tỉnh các bạn trẻ rằng thời gian được vui vầy bên cha mẹ không hề nhiều như chúng ta vẫn tưởng.
Thầy Thái Đăng nhẹ nhàng khuyên các bạn học sinh, hãy sống chậm lại, nghĩ sâu hơn về những nếp nhăn trên trán bố mẹ, nghĩ sâu hơn về những điều mình đang sở hữu từ đâu mà có được, nghĩ sâu hơn về chính bản thân mình đã làm tròn đạo hiếu cho cha mẹ hay chưa.
“Đại đa phần các em đã nhận ra nhưng để thay đổi hành vi, thói quen hàng ngày là điều rất khó; các em phải nhớ chỉ có hành động mới đưa ra được kết quả, còn chỉ có thương khóc, hiểu biết mà không hành động thì đồng nghĩa với chưa nhận thức được điều gì” – thầy Thái Đăng bày tỏ.
“Xin mẹ hãy yêu thương bản thân hơn”
Thầy Thái Đăng chia sẻ câu chuyện khác về một chàng trai đi du học về nước, tốt nghiệp loại giỏi, chuyên môn cao nhưng khi đi nộp hồ sơ phỏng vấn xin việc thì vị Chủ tịch công ty ấy đã đề xuất với cậu ta quay về nhà và rửa đôi tay cho mẹ anh.
Chàng trai ấy ngạc nhiên, không hiểu vì sao có đề xuất làm như vậy, nhưng cậu vẫn quyết định làm theo. Khi rửa tay cho mẹ, cậu ta mới nhận ra, đôi bàn tay mẹ giờ đã xù xì, đen đúa, xây xước và thô ráp. Lúc ấy cậu ta chỉ biết cúi xuống cầm lấy tay mẹ đập vào nước để giọt nước mắt của mình rơi xuống mà mẹ không biết.
Hôm sau quay lại công ty cậu ta cảm ơn ông chủ tịch kia, nhờ đề xuất đó mà lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua quan tâm đến mẹ, nắm tay mẹ và rửa tay cho mẹ. Nhờ đó, cậu ta mới biết tay mẹ đã phải đánh đổi vất vả lao động thế nào cho thành công của mình.
Cậu tự trách bản thân bao nhiêu năm qua chỉ là một đứa con bất hiếu, cuộc sống này không chỉ sống để thành công mà sống để thành người, để thành nhân và điều chưa làm được là làm một người con có hiếu. Sau lời cảm ơn đó, cậu ta chính thức được xét tuyển vào công ty.
Một lần nữa sau khi nghe xong câu chuyện trên, một bạn học sinh nữ khác trường THCS Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã phải khóc nghẹn vì soi thấy hình ảnh, cảnh ngộ của mình phần nào đó có trong câu chuyện ấy.
Bạn nữ bộc bạch, mẹ của em chọn cách sống độc thân, dù là một bà mẹ đơn thân nhưng mẹ luôn cố gắng làm việc cật lực để dành những điều kiện tốt nhất cho các con trong suốt bao nhiêu năm tháng qua.
Những vất vả, nhọc nhằn của mẹ, con đều hiểu, chỉ xin mẹ đừng nhịn ăn, nhịn mặc, đừng kham khổ vì con nữa; con chỉ muốn mẹ hạnh phúc, mong mẹ hãy nghĩ cho bản thân vì con đã đủ lớn để tự lo cho mình.
Thầy Thái Đăng chia sẻ, rất nhiều người đang chờ đến ngày mai để sống tốt hơn, để thay đổi một điều gì đó như dự định học tiếng Anh, học múa, tham gia thiện nguyện… nhưng các bạn quên rằng thời điểm thích hợp nhất để sống tốt hơn chính là ngay bây giờ, ngay lúc này, đừng ngồi đó chờ đến ngày mai, tốc độ trưởng thành của mình phải nhanh hơn tốc độ già của bố mẹ như vậy mới mong có ngày được báo đền, phụng dưỡng cha mẹ chúng ta.